Close

Okuda San Miguel- Nghệ sĩ đưa chủ nghĩa siêu thực vào nghệ thuật đường phố

Dù bạn chưa từng nghe đến cái tên Okuda San Miguel trong giới họa sĩ thì bạn cũng sẽ nhận ra nếu gặp đâu đó những tác phẩm đặc biệt của anh ấy nhờ những đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nghệ thuật đường phố, điêu khắc, tranh tường, nhiếp ảnh, hình học, màu cầu vồng, sặc sỡ, thần bí, lập dị, ấn tượng, rung động, phản ánh ý nghĩa nhân sinh, phản chiếu thế giới song song là những cụm từ để chỉ về công việc của Okuda.

Là một họa sĩ đường phố người Tây Ban Nha gốc Nhật sinh năm 1980 ở Santander, Okuda bắt đầu những tác phẩm nghệ thuật đường phố vào những năm 1997, đầu tiên là che phủ những đường tàu cũ hay những tòa nhà bỏ hoang bằng những chữ cái và màu sắc. Sau khi tốt nghiệp khoa mỹ thuật của đại học Marid, Okuda tập trung phát triển thế mạnh phong cách vẽ đa chiều của mình. Bên cạnh việc thực hiện những bức tranh tường thì Okuda cũng tập trung vào những dự án riêng và có quy mô nhỏ hơn. Cộng hưởng giữa tình yêu nghệ thuật đừng phố với tình yêu những bức vẽ theo trường phái siêu thực (những chủ thể rất bình dị được đặt trong một phông màn hoặc bí ẩn, hoặc hùng vĩ, khiến cho bức tranh mang một sức sống mới, ý nghĩa mới, như tồn tại trong mơ cùng những sự vật hiện thực trong trạng thái không thực), Okuda đã tạo nên một phong cách nghệ thuật mới “Pop- Surrealism” là kết hợp giữa nghệ thuật đại chúng Pop- Art và trường phái siêu thực Surrealism được khắc họa thông qua những tác phẩm nghệ thuật đường phố sử dụng dạng hình học của chủ nghĩa hiện đại và Organic Design. Sáng tạo của Okuda khiến người ta đặt ra những câu hỏi về chủ nghĩa hiện sinh, vũ trụ vô hạn, ý nghĩa của cuộc sống, những mâu thuẫn về tự do của chủ nghĩa tư bản, cho thấy xung đột giữa thế giới hiện đại và nguồn gốc của chúng ta, sự giống nhau giữa con người với con người.

Bức tranh tường ‘Rainbow Thief’ của okuda ở Hồng Kông, Trung Quốc

 

Kể từ đó công việc của Okuda tăng lên theo cấp số nhân, hàng loạt các dự án trong và ngoài nước được thực hiện. Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật đường phố, Okuda còn nổi tiếng bởi những dấu ấn anh đã tạo nên cho một số nhà thờ: “lột xác” cho một nhà thờ nguyện bỏ hoang ở Maroc, trang trí bằng những bức tranh cho International Church of Cannabis ở Denver, Mỹ, hay biến một giáo đường thiêng liêng thành nơi trượt ván đầy nghệ thuật và còn nhiều công trình khác nữa.

Song song với công việc ở ngoài trời, năm 2009 Okuda bắt đầu mở một phòng tranh của riêng mình, đồng thời các tác phẩm của anh còn được trưng bày tại các phòng triển lãm từ Ấn Độ, Mali, Mozambique, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Chile, Brazil, Peru, Nam Phi, Mexico và các nước châu Âu.

Dưới đây là bài phỏng vấn với Okuda San Miguel để có thể hiểu rõ thêm về công việc của anh, mời các bạn cùng đón đọc.

Chào Okuda, trước tiên thì anh có thể cho mọi người biết anh làm công việc này bao lâu rồi và điều gì khiến anh chọn một phương thức truyền đạt các tác phẩm của mình theo cách ấn tượng như vậy?

Trước đây khoảng những năm 1997 tôi theo đuổi nghệ thuật graffiti còn bây giờ thì như các bạn thấy các tác phẩm của tôi là sử dụng hình học cứng nhắc của chủ nghĩa hiện đại kết hợp đường cong và hình dạng tự do thường được tìm thấy trong tự nhiên để tạo nên những tác phẩm của mình. Một phần là vì tôi thấy vui vẻ và một phần là vì tôi đang trên đà “tiến hóa” thành một nghệ sĩ đặc biệt tạo được dấu ấn riêng đối với công chúng.

“Bird of freedom paradise” tại Bucharest

 

Các tác phẩm của anh giống như một dự án xây dựng một công trình lớn vậy, kế hoạch được diễn ra như thế nào, cách tiếp cận ra sao và đội ngũ hỗ trợ anh lớn đến mức nào?

Tôi thường không làm phác thảo cho những bức bích họa (tranh tường) lớn, tôi thích cách vẽ trực tiếp, sáng tạo, ứng biến tùy ý không theo một kế hoạch chuẩn bị trước nào cả, thấy mọi người làm việc để tạo ra một tác phẩm giống như những đứa trẻ chưa lớn chơi đùa với màu sắc thật sự rất thú vị. Còn đối với điêu khắc thì tôi vẫn phải có những bức phác họa, sau đó team của tôi sẽ phục dựng hình ảnh 3d rồi cuối cùng mới bắt tay vào thực hiện. Tùy vào độ lớn nhỏ của mỗi dự án để phân bổ người nhưng thường thì tôi sẽ có 4 trợ lý đắc lực giúp tôi mọi việc. Ngoài ra có 7 thành viên làm việc tại văn phòng và showroom với quản lý của tôi. Họ nhận các bộ sưu tập, làm việc với truyền thông và sắp xếp lịch trình công việc cho tôi và nhiều thứ khác nữa hay nói đơn giản họ lo cho tôi mọi thứ còn tôi chỉ việc tập trung vào việc sáng tác nghệ thuật.

“Smile king bear” (điêu khắc) và “Rest of the three graces” (tranh tường) ở Las Vegas

 

Có thể nói công việc của anh đem đến cho người xem rung cảm mạnh mẽ, đáng kinh ngạc. Để có thể gây ra được cảm xúc như vậy thì một yếu tố không thể thiếu đó là màu sắc, anh có thể chia sẻ sâu thêm về vai trò của màu sắc trong những tác phẩm của mình không, đặc biệt là những tác phẩm của anh thường mang những sắc thái màu sắc nhất định, điều gì khiến anh bị thu hút bởi chúng?

Khi tôi vẽ chủ đề con người hay chỉ là một khuôn mặt với những họa tiết hình học nhiều màu sắc, tôi cố gắng biểu tượng hóa tất cả các màu da, các chủng tộc trong một, tất cả màu sắc trong một và tạo nên một thế giới đa văn hóa.

 

Bản thân và sự đa dạng văn hóa ảnh hưởng đến cách thể hiện cảm xúc trong công việc của anh như thế nào?

Ảnh hưởng rất nhiều chứ. Công việc của tôi liên quan đến chủ nghĩa siêu thực và Pop- Art vì những trường phái này tôi đã được học ở trường và cũng là những trường phái nghệ thuật đương thời hơn là nghệ thuật đường phố.

Dấu ấn của Koruda xuất hiện trong kiến trúc của nhà thờ Quốc tế Cần Sa dành cho những tín đồ đề cao “lợi ích tinh thần của cần sa” gây tranh cãi ở Mỹ 

 

Có nghệ sĩ nào làm anh ngưỡng mộ, ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của anh không? Và anh muốn hợp tác với ai trong tương lai?

Nguồn cảm hứng của tôi thực ra bắt nguồn từ Dali, Ernst, Magritte, Murakami, Jodorowsky hay Yayoi Kusama,…nhưng trên hết là El Bosco, chẳng ai là không thích ông ấy cả. Tôi thích các nghệ sĩ như Kris Kuksi, Os Gemeos, Tomokazu Matsuyama, Kaws, Eric Parker, Todd James, Interesni Kazki, Piet Parra, Smithe, Nano4814, Sixe Paredes, Daniel Muñoz, Cleon Peterson, Amandine Urruty…vài người trong số họ là bạn tôi, họ là động lực giúp tôi chăm chỉ hơn.
Công việc của tôi cũng ảnh hưởng khá nhiều bởi văn hóa cổ như Maya, Inca hay từ Ấn Độ hoặc châu Phi.

“Không có mặt nạ cho kẻ ác”, tác phẩm tráng men tổng hợp trên gỗ được trưng bày tại phòng tranh Corey Helford, LA

 

Thế giới nghệ thuật đường phố đã thay đổi ra sao kể từ khi anh đặt chân vào và anh nghĩ nó sẽ tiếp tục phát triển như thế nào?

Với tôi, lần đầu tiên trang trí nhà thờ bằng những bức vẽ là cột mốc đáng nhớ trên con đường nghệ thuật của mình. Nó có thể là biểu tượng mang tính chất hiện đại và là một ví dụ điển hình về việc bạn có thể làm bất cứ việc gì bạn muốn: mọi thứ đều không có giới hạn nào cả. Tôi thực sự không biết nghệ thuật đường phố sẽ đi về đâu nhưng một khi nó còn tồn tại thì thế giới nghệ thuật sẽ còn rất nhiều tác phẩm thú vị đáng để đón chờ đấy.
Hiện tại tôi đang tập trung vào làm những tác phẩm điêu khắc lớn cho không gian công cộng và cố gắng làm chúng hòa hợp với kiến trúc bối cảnh.

” Những biến đổi của trí óc III”, tác phẩm thủy tinh được trưng bày tại London

 

Khi một tác phẩm nghệ thuật đường phố được hoàn thành, mức độ quan tâm của mọi người như thế nào, áp lực khi sáng tạo mà phục vụ cả một cộng đồng khác gì so với công việc của một nghệ sĩ trong phòng tranh?

Tôi tự nguyện khi làm được một điều gì đó đẹp đẽ cho không gian công cộng, tôi cảm thấy thoải mái và hào hứng, điều duy nhất là tôi cần phải có trách nhiệm với dân cư sống và nơi mà tác phẩm ấy sau này sẽ tồn tại mãi. Thông điệp tôi muốn gửi gắm qua các tác phẩm là tạo ra một thế giới nhỏ lạc quan và hạnh phúc. Tôi thấy mình thật có ích khi những tác phẩm được mọi người đón nhận nồng nhiệt.

 

Sức sáng tạo của anh được thể hiện thông qua các bức bích họa, thảm, nhiếp ảnh, video,…Vậy thì có lĩnh vực nào mà anh chưa từng làm việc và muốn thử sức không?

Có chứ. Tôi đã nghĩ rất nhiều đến điều này. Tôi muốn hợp tác với thương hiệu trang sức từ Tây Ban Nha Suarez, hay biết đâu đó là một đạo diễn phim để cùng tạo nên một bộ phim ngắn về chủ đề siêu thực. Tôi cũng muốn trình diễn 3D Mapping, nghệ thuật trình diễn kết hợp ánh sáng và âm nhạc với bối cảnh là các tác phẩm của tôi trong các viện bảo tàng hay tòa nhà chuyên biệt nào đó. Và điều điên rồ nhất có lẽ là ngay lúc này đây tôi muốn làm một công trình điêu khắc to cỡ tòa nhà mấy chục tầng.

Nghệ thuật sắp đặt “El jardin del kaos” CEART madrid

 

Okuda khiến cả thế giới phải trầm trồ khi chuyển đổi nhà thờ cổ Kaos 100 năm tuổi thành sân trượt ván độc đáo, đầy màu sắc

 

Quy mô ảnh hưởng như thế nào đến các tác phẩm của anh, anh thường chọn những dự án mà có quy mô nhất định hay những dự án mà có thể linh động thay đổi kể cả quy mô và những khía cạnh khác nữa?

Biết rằng là càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều nhưng tôi vẫn thích làm việc trong một dự án có quy mô lớn, tôi có thể tự chọn kích cỡ, thỏa sức sáng tạo.
Anh có đang tiến hành một điều gì thú vị không, có thể chia sẻ cho chúng tôi về những dự định tương lai của anh?
Tôi đang trong quá trình hoàn thành bức tượng cao 30m sẽ được đốt cháy trong lễ hội Fallas 2018 tại Valencia. Bức tượng này quả thực rất lớn và đẹp mắt. Nếu bạn không biết về lễ hội địa phương điên cuồng, náo nhiệt này thì bạn nên tìm hiểu về nó và đừng bỏ lỡ nếu bạn có dịp đến Tây Ban Nha.

“Lost island”

 

Phương châm sống và làm việc của anh là gì?

Không gì là không thể nhưng không phải cái gì cũng không có giới hạn. Bạn hãy luôn đặt trái tim chân thành của mình để hoàn thành công việc,để yêu cuồng nhiệt và để cảm nhận được sự yên bình của cuộc sống. Chỉ có nghệ thuật là tôn giáo duy nhất không có biên giới, ai cũng có thể tiếp cận, khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn. Hãy tận hưởng mọi điều xung quanh chúng ta, làm những điều bạn muốn, những nơi bạn chưa từng đặt chân vì chúng ta sống trên đời chỉ có một lần.

Okuda bên bức bích họa của minh-“Mèo phù thủy”

 

Nguồn: Designs.vn

 

error

Enjoy this blog? Please spread the word :)