FINAL ARTWORK – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Khi tôi đưa bảng tiến trình công việc cho khách hàng, có lẽ final artwork (F.A) là giai đoạn được thắc mắc nhiều nhất. Việc giải thích cũng khá lòng vòng vì ở mức độ chuyên môn thì đây là công việc đòi hỏi tương đối nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, vì vậy bài viết ngắn này nhằm giải thích một số khái niệm cơ bản về F.A để mọi người có thể hiểu rõ. Nếu bạn nào làm thiết kế dành cho in ấn, chế tác không nên bỏ qua, vì đây là khâu quan trọng mà nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ công việc mà bạn đã dành rất nhiều công sức.
VẬY FINAL ARTWORK LÀ GÌ?
Giải thích nôm na, đây là công việc cuối cùng cần làm cho một dự án thiết kế trước khi thi công sản phẩm thật. Dữ liệu được thực hiện F.A tức là chuẩn hoá mọi thứ về màu sắc, font chữ, độ phân giải, kích thước, quy cách, màu tiêu chuẩn… tất tần tật mọi thứ liên quan đến sản phẩm thực tế sẽ được ra đời.
KIẾN THỨC CƠ BẢN
– Phần mềm tối thiểu: Photoshop, Illustrator
– Tiêu chuẩn màu sắc – Kiến thức về độ phân giải & kích thước
– Kiến thức về vật liệu
– Kỹ năng thực hiện hướng dẫn, mẫu giả (mock-up) nếu sản phẩm phức tạp.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
1. Tràn lề
Việc tràn lề trên 1 thiết kế giúp tránh sơ sót trong khâu thành phẩm in, tất cả các chi tiết tiếp giáp với lề của trang thiết kế cần được làm tràn ra ngoài. Thông thường 1 sản phẩm thiết kế được làm tràn khoảng từ 2.5-3mm, ví dụ kích thước của thiết kế tờ rơi là 30x20xm thì chúng ta cần làm tràn 2 bên là 30.6×20.6cm
2. Chuyển font
Bỏ qua khái niệm thế nào là vector, bitmap, tôi chỉ lưu ý (nhiều trường hợp kể cả người thiết kế chuyên nghiêp cũng mắc phải) là font chữ cần chuyển định dạng sang vector hoặc ít nhất là bitmap (embed font) bởi 2 lý do: font chữ của hệ điều hành khác nhau & thiếu font chữ khi chuyển sang máy người khác.
3. Độ phân giải
Tuỳ theo loại in mà các bạn chọn độ phân giải sao cho phù hợp với sản phẩm của mình, chẳng hạn như đối với in trên máy in phun kỹ thuật số thì không nhất thiết phải để độ phân giải 300 như in offset.
4. Màu sắc
Màu sắc trong in ấn và màu sắc trên máy tính là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về 2 kênh màu RGB và CMYK tại vấn đề về màu sắc và kích thước Việc chênh lệch màu giữa các màn hình máy tính khác nhau, giữa các phần mềm khác nhau cũng ảnh hưởng không ít đến người xem. Tôi đề nghị các bạn thiết kế nên sử dụng màn hình máy Mac, và phần mềm Illustrator là tốt nhất (theo tôi thì không nên dùng Corel, ACDsee, vì độ sai lệch kiểm soát CMYK quá cao). Dĩ nhiên màu sắc sử dụng trong in ấn là màu CMYK, và chỉ khi in proof ra thì bạn mới biết 99% màu sắc chính xác của sản phẩm thật. Chúng ta có thể kiểm tra giá trị màu sắc trên từng kênh màu (channel) bằng phần mềm Acrobat Pro để đảm bảo mức độ màu sắc.
5. Các ký hiệu
Chắc chắn phải có các ký hiệu hướng dẫn cho người làm sản xuất, một số ký hiệu ta thường thấy nhất là
– Dấu xén (crop mark):
Dấu xén cho phép người làm sàn xuất biết được chính xác kích thước cần cắt sản phẩm tính sau khi bỏ tràn lề, thông thường thì tôi để dấu cắt bằng với kích thước tràn lề (2.5-3mm), như vậy người làm sản xuất đỡ mất công phải làm lại, dấu xén quá lớn ảnh hưởng đến việc tiết kiệm vật liệu.
– Đường bế (die-cut, score, preforation): Thông thường ta dùng nét không đứt đoạn để xác định cho người sản xuất biết rằng chỗ nào chúng ta cần bế đứt (bằng khuôn cấn bế), cấn đục lỗ…
– Đường cấn (fold, tuck): Thường được xác định bằng đường đứt đoạn để xác định các chỗ gấp, nếp gấp
6. Liên kết hình ảnh
Một lỗi hay gặp là chúng ta quên mất việc “nhúng” hình vào trong dữ liệu thiết kế, hoặc tối thiểu phải gửi kèm hình liên kết trước khi chuyển qua giai đoạn sản xuất.
7. Kích thước
Không phải tôi nói vui, mà thực tế tôi đã gặp khá nhiều trường hợp các bạn thiết kế không kiểm soát được kích thước sản phẩm thiết kế của mình. Việc nhìn thấy hình ảnh trên máy tính có khá nhiều khác biệt trên thực tế, đôi khi chúng ta mất kiểm soát được rằng kích thước quá to, hoặc chi tiết quá nhỏ, hoặc chất lượng phân giải không tốt. Trên phần mềm đồ hoạ có chế độ xem thực (actual pixel), các bạn có thể kiểm tra.
8. Vật liệu
Hiểu biết về chất liệu đòi hỏi kinh nghiệm và thực tiễn khá nhiều, kể cả những phép thử sai. Hiểu biết về vật liệu như màu sắc, độ dày, độ cứng, mức độ hấp thu mực in, vật liệu gia công như ép nhũ, cán màng, phủ UV…để chúng ta biết vận dụng phương pháp sản xuất sao cho phù hợp.
9. Hướng dẫn/mẫu mock up
Tuỳ theo mức độ quy cách khó dễ, bạn cần thực hiện hướng dẫn sản xuất hoặc có thể làm mẫu giả bằng mô tả trên máy tính, bằng mẫu cắt dán bằng tay.
Mức độ chính xác càng cao thì xác suất rủi ro càng thấp.
Kết
Dĩ nhiên tôi không thể nêu hết tất cả các vấn đề một cách chi tiết trong một bài viết ngắn như thế này, nhưng tôi hy vọng là cung cấp cho mọi người một cái nhìn khái quát về F.A. Chúc các bạn có những sản phẩm tốt, đúng với ý tưởng của mình.
Theo Thái Sơn – DODA Creative Design